Ứng dụng công nghệ cao trồng lan hồ điệp: Giải pháp xanh thích ứng biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh

04/07/2025
Aa

Trước tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu như nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn ở ven biển, việc phát triển nông nghiệp thích ứng là hết sức cần thiết. Tại xã Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh), ông Phạm Văn Huy đã tiên phong xây dựng mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao - hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Cuối năm 2022, trên diện tích 3.000m², Ông Phạm Văn Huy (Thạch Khê, Hà Tĩnh) đã đầu tư hệ thống nhà lưới hiện đại, kết hợp các thiết bị cảm biến tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, giúp tạo ra môi trường vi khí hậu phù hợp cho cây lan hồ điệp phát triển, bất chấp điều kiện thời tiết bất lợi bên ngoài. Công nghệ thiết bị phục vụ sản xuất hoa lan Hồ điệp bao gồm: Nhà màng, hệ thống làm lạnh sâu, hệ thống quạt thông gió, hệ thống giàn mát, hệ cảm biến nhiệt độ và độ ẩm, hệ thống điện điều khiển trung tâm, các máy bơm nước, lọc nước, khử trùng, máy bơm dàn mát …. Nhờ đó, 60.000 cây lan hồ điệp sinh trưởng khỏe mạnh, tỷ lệ ra hoa đạt 100% – kết quả rất hiếm có đối với một mô hình trồng hoa quy mô lớn trên vùng đất cát ven biển.

Mô hình là một phần trong Dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan hồ điệp tỉnh Hà Tĩnh”, thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 của Chính phủ. Không chỉ đơn thuần là hoạt động sản xuất, dự án còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và đất đai.

Lan Hồ điệp được trồng trong nhà màng hiện đại

Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình không chỉ đạt được các mục tiêu về mặt kỹ thuật như chuyển giao quy trình ươm, trồng, chăm sóc hoa lan hồ điệp thương phẩm, mà còn mở ra triển vọng nhân rộng ra các khu vực có điều kiện tương tự trong tỉnh. Ông Phạm Văn Huy – Giám đốc Công ty TNHH Trí Đức Hà Tĩnh – cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu, nhằm cùng nhau phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường”.

Ông Huy cũng cho hay: Thời tiết ở Hà Tĩnh khá khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, mùa đông giá rét. Do đó, trong quá trình trồng hoa lan, việc điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm phù hợp là yếu tố mang tính quyết định. Nhiệt độ cần được duy trì dưới 31°C và độ ẩm không vượt quá 80% để đảm bảo cây lan phát triển tốt.

Cây giống được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô cải tiến; có thể trồng hoa ở mọi thời vụ trong năm; chủ động điều tiết ra hoa theo ý muốn, rất thuật lợi cho việc thu hái, đóng gói, bảo quản hoa; đồng thời giảm bớt chi phí lao động. Đó cũng là những ưu điểm nổi bật khi trồng hoa lan trong nhà màng hiện đại.

Cây giống lan được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô cải tiến

Hiện tại, sản phẩm hoa lan hồ điệp của công ty không chỉ được tiêu thụ mạnh trong tỉnh mà còn vươn ra các thị trường như Nghệ An, Quảng Bình và các tỉnh phía Bắc. Với mức giá từ 150.000 – 220.000 đồng/gốc, mô hình mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm và ổn định sinh kế cho người dân địa phương.

Hội thảo Dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan hồ điệp tỉnh Hà Tĩnh”

Tại hội thảo khoa học đầu bờ tổ chức tháng 6 vừa qua, các đại biểu đã khẳng định vai trò tiên phong của mô hình trong thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực như tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu lan hồ điệp Hà Tĩnh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Mô hình trồng lan hồ điệp tại Thạch Khê là minh chứng rõ ràng cho việc nông nghiệp không chỉ là sản xuất lương thực mà còn là lĩnh vực quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại khu vực ven biển miền Trung./.

Hà Trần - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh



Ý kiến bạn đọc


Tin liên quan