Nuôi dê nhốt chuống, hướng làm giàu bền vững

20/07/2025
Aa

Với đặc tính khá dễ nuôi, sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư thấp do nguồn thức ăn dễ tìm kiếm, nhiều nông dân tại xã Sơn Tiến, tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Mô hình nuôi này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nuôi dê nhốt chuồng giúp giải quyết được vấn đề diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp, thuận lợi quản lý toàn bộ quá trình nuôi

Anh Võ Quang Phúc tại thôn Động Eo, xã Sơn Tiến là người có kinh nghiệm chăn nuôi dê nhiều năm. Ban đầu anh chủ yếu nuôi giống dê cỏ địa phương, tuy nhiên đây là giống dê có năng suất thịt thấp, quá trình chăn nuôi đòi hỏi phải có bãi chăn thả, hiệu quả kinh tế không được cao. Qua tìm hiểu, anh Phúc được biết giống dê Boer lớn nhanh, trọng lượng cao, khỏe mạnh hơn dê cỏ thông thường, phù hợp với nuôi thương phẩm, anh mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi dê Boer nhốt chuồng. Hơn nữa, dê cũng là loài dễ nuôi, có thể tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn từ cây cỏ vì vậy chi phí nuôi thấp, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Giống dê Boer lớn nhanh, trọng lượng cao, khỏe mạnh hơn dê cỏ thông thường, phù hợp với nuôi thương phẩm.

Để đàn dê phát triển khỏe mạnh anh Phúc đã cải tạo lại hệ thống mặt sàn chuồng nuôi, nâng cao hơn mặt đất 1 mét để tạo độ thông thoáng và điều chỉnh chế độ chăm sóc đồng thời sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Bởi đàn dê dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, ký sinh trùng, nhất là mùa đông và mùa mưa.

Về thức ăn, theo anh Phúc, khẩu phần ăn của đàn dê giống Boer cần bảo đảm 70% nguồn thức ăn thô xanh (rau, cỏ) và 30% thức ăn tinh (cám, ngô, sắn…). . Vào mùa đông, do đặc điểm khí hậu địa phương ẩm ướt, mưa nhiều, người nuôi phải chuẩn bị sẵn thức ăn nuôi dê bằng cách ủ cỏ voi với men vi sinh hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng cũng như khối lượng thức ăn hàng ngày cho dê. Theo đó, sau khi thu hoạch cỏ, anh Phúc tiến hành ủ vào các thùng nhựa đậy kín theo tỷ lệ 1 tấn cỏ tươi - 5 kg cám ngô - 0,2 kg muối tinh - 0,2 kg men vi sinh trong khoảng 20 - 30 ngày. Mỗi ngày cho dê ăn 2 lần, điều quan trọng nhất là thức ăn phải khô và sạch thì dê mới phát triển nhanh và ít bệnh. Ngoài ra, anh còn đầu tư hệ thống nước uống tự động đến tận từng ô chuồng nên giảm được công chăm sóc, không lo dê bị thiếu nước uống.

Thức ăn như ngô, cỏ được ủ chua để bổ sung dinh dưỡng, nâng cao chất lượng thịt, tăng khả năng kháng bệnh, nhất là trong mùa nắng nóng

Nhờ chăm sóc bài bản, đúng kỹ thuật nên đàn dê của anh Phúc luôn phát triển khỏe mạnh, số lượng đàn luôn duy trì từ 150-200 con trên mỗi lứa. Theo chu kì tái đàn, mỗi năm anh Phúc nuôi 4 lứa dê thương phẩm, với giá bán hiện tại anh Phúc thu lãi gần nửa tỷ đồng.

Đầu năm 2022, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền tại thôn Tây Nam, xã Sơn Tiến đã được vay vốn, đầu tư xây dựng trang trại nuôi dê với diện tích chuồng nuôi 300m 2 và mua 50 con dê cái, 2 dê đực giống Boer với chi phí hơn 500 triệu đồng.

Nguồn thức ăn và nước uống sạch sẽ để đảm bảo dinh dưỡng, hạn chế các loại dịch bệnh xảy ra trên đàn dê

Theo chị Hiền để việc nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả, ngoài am hiểu đặc tính của loài, người chăn nuôi phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật trong cả quá trình nuôi. Đặc biệt, cần chủ động nguồn thức ăn và nước uống sạch sẽ để đảm bảo dinh dưỡng, hạn chế các loại dịch bệnh xảy ra trên đàn dê. Dê thường dễ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hệ hô hấp. Vì thế, người nuôi phải đặc biệt chú ý kiểm soát chất lượng thức ăn hàng ngày. Thông thường, rau, cỏ trước khi ăn phải đảm bảo khô ráo trước khi cho vào máy thái nhỏ để phòng ngừa bệnh tiêu chảy. Nếu mắc bệnh này có thể dê bị chết nếu không phát hiện điều trị kịp thời. Ngoài ra, người nuôi phải chủ động phòng bệnh, tiêm ngừa phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng và các bệnh hô hấp khác vào các thời điểm giao mùa.

Hiện gia đình chị Hiền đang nuôi hơn 100 con dê Boer thương phẩm, dê con sau hơn 3 tháng chăm sóc đạt từ 30 - 40 kg sẽ cho xuất chuồng, giá bán dê thịt từ 130 - 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc mỗi tháng đàn dê của gia đình chị Hiền cũng mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Trước nhu cầu tiêu thụ thịt dê ngày càng tăng, chị Hiền dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng đàn dê nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Cũng lựa chọn mô hình nuôi dê nhốt chuồng, với 52 con dê ban đầu, anh Nguyễn Trọng Hùng  tại thôn Tân Tiến, xã Sơn Tiến đã phát triển đàn dê lên tới 300 con, cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng mỗi năm.

Anh Hùng chia sẻ: “Nuôi dê nhốt chuồng rất nhàn, không tốn công trông coi dê như nuôi chăn thả tự do. Vì vậy, tôi luôn chủ động thời gian trong khâu chăm sóc. Mỗi ngày chỉ mất 1 - 2 giờ đồng hồ chuẩn bị thức ăn cho dê”. Ngoài việc tận dụng các loại lá trên rừng, lá mít, lá xoan trong vườn nhà dân, anh Hùng còn trồng thêm cỏ để đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn cho dê.

“Việc xây chuồng trại cũng khá đơn giản, đảm bảo các tiêu chí thông thoáng, sạch sẽ, khô ráo là dê có thể thích nghi tốt. Chuồng dê có thể làm bằng tre hoặc gỗ, chiều ngang 1,8m, chiều dài 2,5m; sàn chuồng cách mặt đất từ 0,5 - 1m. Chuồng nuôi được thiết kế theo dãy dê sinh sản, dê nuôi con và dê vỗ béo. Chuồng đặt ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Nền chuồng phẳng, nhẵn để dễ dàng vệ sinh”, anh Hùng cho biết thêm.

Chuồng dê có thể làm bằng tre hoặc gỗ, chiều ngang 1,8m, chiều dài 2,5m; sàn chuồng cách mặt đất từ 0,5 - 1m

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra, mô hình nuôi dê nhốt chuồng phù hợp với điều kiện kinh tế của các địa phương, do không tốn nhiều diện tích, không những vậy, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế đem lại cao. Tuy nhiên để nghề chăn nuôi dê nhốt chuồng phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ, tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đàn dê, tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Ánh Nguyệt - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh



Ý kiến bạn đọc