Xây dựng mô hình và phát triển sản xuất giống đậu xanh 12ĐX02 tại Hà Tĩnh

20/06/2025
Aa

Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng mô hình và phát triển sản xuất giống đậu xanh 12ĐX02 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”, vụ Hè thu năm 2025, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng mô hình sản xuất giống đậu xanh 12ĐX02 tại xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Toàn cảnh lớp tập huấn

Xã Tùng Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) được là một vùng quê yên bình, nằm ven dòng sông Lam hiền hòa. Dòng sông không chỉ mang đến vẻ đẹp nên thơ cho vùng đất này, mà còn bồi đắp phù sa màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân gắn bó với nghề nông từ bao đời nay. Với tổng diện tích tự nhiên 960,83 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm đến 595,97 ha (tương đương 62%), Tùng Châu là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, thời tiết ngày càng khó lường, cùng với đầu ra sản phẩm chưa ổn định, người nông dân Tùng Châu vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Dù quanh năm chăm chỉ cày cấy, gieo trồng lúa, ngô, rau màu..., thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Điều đó thôi thúc bà con không ngừng tìm kiếm những hướng đi mới - những loại cây trồng phù hợp hơn với điều kiện tự nhiên địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định hơn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đó, năm 2025, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã lựa chọn Tùng Châu là một trong những điểm triển khai mô hình: “Xây dựng mô hình và phát triển sản xuất giống đậu xanh 12ĐX02 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”. Tại đây, mô hình được triển khai trên quy mô 15 ha - đánh dấu một bước đi mới trong định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.

Trước khi triển khai gieo trồng, các hộ dân được tham gia lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tổ chức. Tại đây, người dân được giới thiệu một cách đầy đủ về giống đậu xanh 12ĐX02: từ nguồn gốc, đặc điểm thực vật, điều kiện sinh thái phù hợp, cho đến quy trình kỹ thuật canh tác như thời vụ gieo trồng, mật độ cây, khoảng cách trồng, lượng phân bón cần thiết và kỹ thuật chăm sóc. Theo đánh giá, giống đậu xanh 12ĐX02 có năng suất trung bình đạt từ 20 - 23 tạ/ha, nếu chăm sóc tốt có thể vượt mức 25 tạ/ha. Đặc biệt, giống này có ưu điểm chín tập trung, giúp giảm công lao động trong khâu thu hoạch - một lợi thế lớn so với các giống truyền thống đang được người dân sử dụng.

Ông Nguyễn Hữu Đức - một nông dân có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất tại Tùng Châu, chia sẻ: “Bên cạnh trồng lúa, lạc và ngô, chúng tôi cũng thường xen canh trồng đậu xanh vào vụ hè thu. Tuy nhiên, giống đậu trước đây thường cho năng suất thấp, lại chín không đều nên thu hoạch rất vất vả, kéo dài. Được Nhà nước hỗ trợ giống mới 12ĐX02, năng suất cao hơn, chín đồng loạt, bà con rất mừng. Đây là sự hỗ trợ thiết thực đối với nông dân chúng tôi.”

Ông Nguyễn Hữu Đức - Xã Tùng Châu, phát biểu tại lớp tập huấn

Sau lớp tập huấn, các hộ tham gia mô hình được cấp phát giống và phân bón theo hình thức hỗ trợ 50% từ nguồn ngân sách nhà nước, phần còn lại người dân đối ứng. Để đảm bảo hiệu quả mô hình, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn người dân xuống giống đúng thời vụ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình chăm sóc, đặc biệt là khâu phòng trừ sâu bệnh hại.

Trực tiếp có mặt tại các thôn xóm để trao từng bao phân bón cho người dân, ông Lưu Đình Khương - Bí thư Đảng ủy xã Tùng Châu, chia sẻ đầy tâm huyết: “Sản xuất nông nghiệp hiện vẫn là nguồn thu nhập chính của phần lớn bà con nhân dân trên địa bàn xã Tùng Châu. Với lợi thế đất đai màu mỡ, được phù sa sông Lam bồi đắp hằng năm, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào tiềm năng phát triển nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, tôi đề nghị bà con cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Chúng ta cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của người dân cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng, nông nghiệp Tùng Châu sẽ ngày càng phát triển bền vững, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con”.

Ông Lưu Đình Khương - Bí thư xã Tùng Châu, trực tiếp trao tận tay phần phân bón Nhà nước hỗ trợ cho người dân

Để đảm bảo hiệu quả mô hình, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật về địa phương, bám sát quá trình chăm sóc cây trồng, hướng dẫn cụ thể từng giai đoạn sinh trưởng của cây đậu xanh 12ĐX02. Việc theo dõi chặt chẽ và kịp thời điều chỉnh kỹ thuật nếu cần sẽ giúp mô hình phát huy tối đa hiệu quả, đồng thời tạo nền tảng để nhân rộng trong các mùa vụ tiếp theo.

Mô hình đậu xanh 12ĐX02 tại Tùng Châu không chỉ là một giải pháp kinh tế, mà còn là bước đi cụ thể trong lộ trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Với sự đồng lòng của người dân và sự đồng hành của chính quyền, tin rằng vùng đất ven sông Lam này sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị thế trong phát triển nông nghiệp xanh - sạch - bền vững trong thời kỳ mới./.

Hà Trần - Trung tâm Khuyến Nông



Ý kiến bạn đọc