Chống khai thác IUU: Tăng cường năng lực xử phạt vi phạm hành chính
Với mục tiêu chống khai thác IUU thực chất, hiệu quả, đồng thời xử lý dứt điểm các khuyến nghị cảnh báo thẻ vàng của EC, Việt Nam đã tập trung cao độ cho công tác xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua. Nhờ vậy, số lượng tàu cá vi phạm quy định khai thác IUU, đặc biệt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, vượt ranh giới cho phép trên biển, mất kết nối VMS đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2024. Để tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật chống khai thác IUU, ngày 25/6/2025 Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã có buổi làm việc với Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) dưới sự đồng chủ trì của Cục trưởng Trần Đình Luân và Cục trưởng Hồ Quang Huy, với sự tham gia của các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt liên quan của hai Cục. Hai bên đã thông báo cho nhau tình hình và kế hoạch công tác liên quan đến thực thi pháp luật chống khai thác IUU tại các địa phương và thống nhất các nội dung phối hợp kiểm tra, hướng dẫn các địa phương và cơ quan thực thi pháp luật chống khai thác IUU trong thời gian tới.
Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã và đang là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt khi Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng thẻ vàng từ năm 2017. Cảnh báo thẻ vàng của EC không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý vi phạm khai thác IUU. Trong buổi làm việc giữa Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Cục TSKN) Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Cục KTVB&QLXLVPHC) một số khó khăn, vướng mắc trong công tác này đã được phân tích và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp trong bối cảnh thực tế của nước ta.
Tác động tích cực của việc tăng cường xử lý vi phạm hành chính
Mở đầu buổi làm việc, Phó cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Vũ Duyên Hải đã báo cáo tóm tắt các kết quả chống khai thác IUU sau đợt Thanh tra lần gần đây của EC và chỉ ra những tồn tại, hạn chế, các nội dung cần tập trung xử lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thực thi pháp luật thủy sản đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU và các khuyến nghị cảnh báo thẻ vàng của EC bền vững. Ông Hải cho biết, các tiến bộ rõ rệt trong công tác quản lý đội tàu, giám sát hoạt động đội tàu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật trong 5 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ. Có được các tiến bộ này là kết quả của sự nỗ lực của các Bộ, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án Nhân dân tối cao.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, số tàu vi phạm hành vi mất kết nối VMS trên 6 giờ giảm tới 82%; số tàu mất kết nối VMS trên 10 ngày không về bờ giảm 71%. Đặc biệt, số vụ tàu cá vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển cũng giảm tới 75%. Cùng với đó, số tàu vi phạm vùng biển nước ngoài cũng đã giảm 76,6%, cho thấy hiệu quả rõ nét của công tác xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm khai thác IUU ở nước ta. Những kết quả này khẳng định việc siết chặt kỷ cương, tăng cường xử lý vi phạm hành chính là một trong những công cụ hiệu quả giúp kiểm soát hoạt động khai thác hải sản, góp phần khắc phục các khuyến nghị của EC và tiến gần hơn tới mục tiêu gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam.
Khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật chống khai thác IUU
Bên cạnh những kết quả tích cực, cuộc họp cũng nhận diện, phân tích các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong văn bản pháp luật và thực thi các quy định pháp luật hiện hành dẫn đến kết quả xử lý vi phạm còn rất hạn chế so với yêu cầu. Một trong những vấn đề lớn nhất được nêu ra là sự bất cập trong khung pháp lý hiện hành. Theo ông Kiều Trung Dũng, quyền trưởng phòng Nghiệp vụ Kiểm ngư (Cục TSKN), thiếu cơ sở pháp lý và quy định pháp luật chi tiết để xử lý trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác IUU và bị bắt giữ ở nước ngoài, tàu cá sử dụng biển số giả, tàu cá vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển vì lý do được cho là bất khả kháng,....
Phó Cục trưởng Cục TSKN Dương Văn Cường cũng chia sẻ thêm về những khó khăn thực tế khi xử lý vi phạm trên biển như: thay đổi tổ chức bộ máy, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính,.... Đối tượng vi phạm là các ngư dân kinh tế khó khăn, việc trốn tránh hoặc chây ỳ hoặc không đủ điều kiện thực thi quyết định xử phạt hành chính khá phổ biến. Nhiều tàu cá di chuyển liên tục giữa các địa phương, khiến cơ quan chức năng khó áp dụng biện pháp mạnh như tịch thu sản phẩm khai thác, ngư lưới cụ,... theo quy định.
Giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Để xử lý các khó khăn, vướng mắc thực tế Cục TSKN nêu ra, các lãnh đạo Cục KTVB&QLXLVPHC đã trao đổi, giải thích hướng dẫn cặn kẽ các giải pháp xử lý từng vấn đề được nêu ra. Trong đó, khẳng định quy định pháp luật hiện hành (luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 68/2025/NĐ-CP ngày 18/3/2025 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính) cho phép xử phạt hành chính đối với tất cả các trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm quy định khai thác IUU, kể cả trường hợp tàu cá và ngư dân đang bị bắt giữ ở nước ngoài, vắng mặt tại nơi cư trú, điều kiện kinh tế khó khăn trong việc thực thi quyết định xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền; việc áp dụng pháp Phó Cục trưởng Lê Thanh Bình nhấn mạnh, các cơ quan có thẩm quyền cần tách bạch xử lý các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP với hành vi vi phạm pháp luật hình sự, nhiều địa phương chỉ xử lý hình sự, không xử lý các hành vi vi phạm hành chính nên làm chậm quá trình xử lý vi phạm dẫn đến kết quả xử lý vi phạm khai thác IUU còn thấp, không đáp ứng khuyến nghị của EC. Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hòe cũng làm rõ thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và cho biết Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/7/2025 sẽ tạo điều kiện cho công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung, trong đó có lĩnh vực thủy sản và kiểm ngư.
Nội dung phối hợp giữa hai bên để tăng cường hiệu lực, hiệu quả chống khai thác IUU và gỡ cảnh báo thẻ càng của EC
Trên cơ sở ý kiến trao đổi tại cuộc họp, Cục trưởng Hồ Quang Huy và Cục trưởng Trần Đình Luân thống nhất triển khai các nội dung phối hợp giữa hai Cục để tham mưu cho cấp có thẩm quyền và kiểm tra, hướng dẫn các lực lượng thực thi pháp luật thủy sản triển khai các nội dung như sau:
- Tiếp tục phối hợp trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật đảm bảo phù hợp, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
- Thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình, kết quả chống khai thác IUU, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU để xử lý hài hòa các tồn tại, vướng mắc tại các địa phương;
- Cử cán bộ và cung cấp thông tin, nội dung cần thực hiện trong các đợt kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật tại địa phương theo kế hoạch và chức năng nhiệm vụ của mỗi bên;
- Cục KTVB&QLXLVPHC cử cán bộ tham gia các đoàn công tác, hội nghị tập huấn, hướng dẫn công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản do Cục TSKN tổ chức.
Cuộc họp giữa hai cục đã làm sáng tỏ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện xử lý vi phạm IUU. Với sự phối hợp chặt chẽ, từ việc sửa đổi khung pháp lý đến triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành, Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đáp ứng các yêu cầu của EC. Việc gỡ thẻ vàng IUU không chỉ là nhiệm vụ của riêng Cục TSKN hay Cục KTVB&QLXLVPHC, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống, đòi hỏi sự đồng lòng và hành động quyết liệt từ các cơ quan chức năng trung ương tới địa phương.
Theo tongcucthuysan.gov.vn