Giống khoai lang chất lượng cao tiềm năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất cát ven biển

04/07/2025
Aa

Làm thế nào để phát huy hết hiệu quả sản xuất kinh tế trên các vùng đất cát bạc màu, vùng đất cát ven biển, chuyển đổi cơ cấu trong hệ thống cây trồng lương thực, đưa các giống Khoai lang có tiềm năng, năng suất cao và chất lượng, kháng được các đối tượng sâu bệnh là nỗi băn khoăn, trăn trở của các cấp lãnh đạo; đồng thời cũng là mong muốn của người nông dân có được giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.

Thực tế cho thấy lâu nay người dân địa phương quen trồng giống khoai lang cũ do bà con tự để giống nên giống ngày càng bị thoái hóa cùng với đó là phương thức sản xuất theo hướng truyền thống, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất không cao, chất lượng thấp, không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, sản phẩm làm ra chủ yếu dùng để phục vụ làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc. Nhằm giúp nông dân chọn được bộ giống có năng suất, chất lượng cao, từ đó, phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa. Vụ Xuân 2025, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với HTX Nga Hải triển khai xây dựng

mô hình sản xuất khoai lang chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VIETGAP theo chuỗi giá trị, trên vùng đất cát ven biển tại xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, với quy mô 10ha, 50 hộ tham gia. Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất một số cây trồng lợi thế trên vùng bãi ngang các tỉnh Bắc Trung bộ” nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân vùng bãi ngang, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó hình thành chuỗi giá trị gắn kết giữa nhà nông - nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp.

Qua theo dõi đánh giá ông Nguyễn Đức Nhật Anh, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ cho biết: Giống khoai lang ruột vàng KL 20-209, giống KTB6 có nhiều ưu điểm vượt trội như nhanh bén rể hồi xanh, khả năng chịu hạn khá tốt, thời gian sinh trưởng trung bình 110 – 120 ngày, giống trồng được trên nhiều chân đất khác nhau như đất cát ven biển chuyên màu, đất cát pha, đất 2 lúa, đất bãi ven sông. Trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển cần bấm ngọn khi dây dài 35 cm đến 40 cm, tránh cho thân chính vươn dài. Thường xuyên nhấc dây nhằm hạn chế sự phát triển của rễ phụ. Định kỳ 2 đến 3 ngày tưới nước giữ cho đất có độ ẩm thích hợp. Đặc biệt phải vun cao luống và phủ kín gốc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của củ và phòng tránh bọ hà đẻ trứng. Bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất cát bằng phân hữu cơ hoai mục; sử dụng phân bón lá theo từng giai đoạn phát triển của cây, nhất là thời điểm khô hạn và giai đoạn nuôi củ.

Ông Phạm Văn Linh, Viện trưởng, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ kiểm tra mô hình sản xuất khoai lang chất lượng cao đạt tiêu chuẩn
VietGAP tại xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Nay là xã Tiên Điền)

Theo Bà Trần Thị Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân chia sẻ: Qua theo dõi cho thấy hai giống Khoai lang KL20-209 và giống KTB6 của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ hỗ trợ người dân dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu vùng bãi ngang ven biển. Giống Khoai lang KL20-209 có chất lượng thơm ngon, bở, ngọt, ruột vàng nhạt, đạt năng suất 16-17 tấn/ha, cao hơn mô hình đại trà của bà con từ 2-3 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 49-50% so với phương pháp truyền thống. Giống Khoai lang KTB6 phù hợp cho chế biến khoai sát khô của địa phương, khoai sau khi sát phơi khô trắng sáng, thơm ngon, nấu khoai xéo có vị bùi và bở, năng suất bình quân đạt 15-16 tấn/ha, cao hơn mô hình sản xuất đại trà từ 1-2 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng 29-30% so với phương pháp truyền thống.

Bà Phan Thị Thiêm Thôn trưởng thôn Thịnh Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân chia sẻ thêm: Mô hình trồng khoai lang chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP khá nhàn, giống khoai lang sinh trưởng, phát triển khỏe, ít nhiễm sâu bệnh, chất lượng thơm ngon, bở, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương, quá trình triển khai được cán bộ kỹ thuật của Viện nhiệt tình hướng dẫn chi tiết, áp dụng đồng bộ về quy trình kỹ thuật.

Giống khoai lang KL20-209 khi nấu thơm, bở và ngọt nên được người tiêu dùng ưu chuộng. Thôn Thịnh Mỹ chúng tôi sản xuất giống KL20-209 diện tích 3,4 ha, thu hoạch được khoảng 57 tấn củ trong đó có 35,8 tấn củ thương phẩm đạt loại 1, bán cho hợp tác xã với giá 10.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 63 triệu đồng/ha. Còn giống Khoai lang KTB6 với diện tích 6,6 ha có diện tích trồng lớn hơn KL20-209, phù hợp với chế biến khoai lát khô của địa phương, giống khoai lang KTB6 được cắt lát, phơi khô, các miếng khoai cắt lát rất trắng và thơm. Giống KTB6 thu hoạch được khoảng 104 tấn củ trong đó có 64 tấn củ thương phẩm đạt loại 1, bán cho hợp tác xã với giá 10.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 55 triệu đồng/ha. Với lợi nhuận này cao hơn so với một số loại cây hoa màu khác 20 triệu đồng/ha.

Bà: Phan Thị Sinh, xã Xuân Mỹ, phấn khởi được mùa, được giá

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Nga Hải xã Xuân Viên – huyện Nghi Xuân đánh giá: Giống KL20-209 chất lượng tốt, năng suất khá cao, vỏ màu hồng nhạt, nấu thơm, bở, ngọt bùi và được người mua ưu chuộng, ngoài ra sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc nên đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đến nay, HTX đã tiêu thụ gần 100 tấn củ khoai lang tươi và gần 2 tấn khoai lang khô cắt lát bán ra ngoài thị trường.

Thành công của mô hình là tiền đề để các cấp ủy chính quyền địa phương và bà con nông dân tuyên truyền, nhân rộng mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đa dạng hóa cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Lý - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh



Ý kiến bạn đọc